Nạn đói Thanh Hóa: Người đi ăn xin, người còn ở lại

Posted: Tháng Năm 15, 2011 in Tin Việt Nam

“Tập quán canh tác lạc hậu của các sắc dân thiểu số trong tỉnh là nguyên nhân của nạn đói… Ðặc biệt như huyện Mường Lát, bà con nông dân đang thiếu trầm trọng đất sản xuất nông nghiệp để trồng lúa nước, lúa nương, ngô nương, cây màu các loại.” (Lời Trịnh Văn Chiến, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trên Trang Tin Thanh Hóa, 10 tháng 5).

Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt

LTS: Truyền thông Việt Nam cho hay, có khoảng 250 ngàn người trong 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa đang đối mặt với cái đói. Ðó là các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân và Như Xuân. Cái đói đang hiện diện và rình rập 1/4 triệu người là bởi hạn hán làm thất mùa, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người nông dân đang mất dần đất canh tác. Cộng tác viên Liêu Thái của Người Việt vừa có chuyến đi đến các địa phương bị đói của tỉnh Thanh Hóa và gởi về loạt phóng sự này.

THANH HÓA (NV) – Ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nếu bước vào thị trấn, sẽ khó mà nhận ra đây là huyện có số người nghèo thuộc hạng “thượng thừa” vì cái không khí khá ư nhàn nhã, tĩnh tại. Nhưng chỉ cần đi sâu vài trăm mét vào trong các bản làng thì mọi chuyện hoàn toàn khác, cái nghèo cái đói trỗi lên nhoi nhói khắp nơi như kiến bò trên da.

Cái bếp tương đối ấm áp của nhà cô công nhân Hà Thị Giang bởi có thêm mấy chai xì dầu, nước mắm, dầu ăn. (Hình Phi Khanh/Người Việt)

Người Phú Sơn nhiều mơ mộng…

Chàng trai người Mông ở bản Phú Sơn, huyện Quan Hóa, có cái tên khá lãng mạn là “Xuân Diệu.” Anh cũng có mái tóc hơi quăn, lơ thơ trước trán, đôi mắt buồn và nhìn lúc nào cũng mơ màng. Anh cho biết đây là cái tên anh tự đặt cho mình sau khi đọc được mấy bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Chứ thật ra, anh họ Vàng, cùng họ với vua Mèo và tên là A Chư.

“Xuân Diệu” mới học xong hệ xóa mù chữ, năm nay 23 tuổi, vẫn còn độc thân, anh ra thị trấn với giấc mơ đổi đời là mang một chiếc xe gắn máy về nhà và gia đình anh bớt khổ.

Nhà Xuân Diệu có tổng cộng mười anh em, người anh cả đã mất trong lần đi rừng cách đây gần 10 năm, người anh thứ hai xuống đồng bằng làm thuê, đi biệt xứ.

Những người chị gái của Xuân Diệu cũng theo chồng và chẳng mấy người quay về nhà, một phần vì nhà nghèo quá, mỗi khi về chỉ thêm buồn, phần nữa là đường sá cách trở, heo hút, không có cầu, mỗi lần băng qua sông Mã phải đi đò, chết lúc không hay… Dường như ai đi khỏi Phú Sơn cũng mong có cơ hội chẳng bao giờ quay về.

Ðiều làm cho Xuân Diệu buồn nhất là thân sinh của anh, cả hai người đều xuống phố đi xin ăn. Dường như họ cũng chẳng tha thiết quay về lại cố hương. Anh chỉ biết được tin tức về họ thông qua những lá thư nguệc ngoặc chữ đúng chữ sai rằng họ còn sống, anh cứ yên tâm mà làm ăn, cưới vợ, nếu như ngày cưới mà cha mẹ không về được thì anh cũng đừng buồn… Lá thư đi cả tháng trời mới tới tay anh, có khi anh đọc thư thì mọi chuyện đã hỡi ôi!

Từ đó, anh nuôi mộng lên phố làm ăn, nhưng phố ở đâu, không tiền, không người thân, anh ra thị trấn đi lang thang, ai thuê gì làm nấy.

Bước chân của một người ăn xin dưới phố trở về làng. (Hình Phi Khanh/Người Việt)

Trong mùa lúa trước, Xuân Diệu về quê, đoạn đường cách nhau chưa đầy 20 km mà với anh cứ xa vời vợi. Về nhà đúng hai giờ đồng hồ anh lại phải ra đi vì chịu không nổi cảnh mấy người chị dâu ốm o, các cháu nheo nhóc, rồi cảnh cả nhà mang bao bị đi nhận gạo cứu trợ mỗi miệng ăn được đúng 1kg gạo, nhận về xong mà mọi người ai cũng buồn xo…

Anh chịu không nổi, bỏ nhà ra thị trấn và nguyền sẽ không bao giờ về lại nếu chưa giàu lên.

Nhưng nói thì nói vậy, chứ chẳng biết bao giờ giàu được, tương lai mờ mịt, không đất, không tiền, không nhà, không vợ con. Những thanh niên làng bằng tuổi anh đã nên gia thất, Xuân Diệu thì không bao giờ dám nghĩ tới chuyện này bởi anh đã quá sợ cái nghèo, cái đói.

Lúc tạm biệt, Xuân Diệu buồn rầu nói: “Bản làng của em toàn tụi xì ke, nó cứ lớn lên ra làm ruộng, đi uống rượu, có vợ rồi lại đâm ra nát rượu vì nghèo khổ, cả một cái bản mà chẳng có ai học hành cho đến nơi đến chốn.”

Thấy tương lai trong đống mạt cưa

Hà Thị Giang là người Thái Ðen, ở bản Cang, xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa, lập gia đình được gần hai năm nay, mới sinh được một bé trai, cả hai vợ chồng Giang đều đi làm thuê cho xưởng sản xuất trầm hương Bình Ðịnh, mỗi tháng kiếm được một triệu đồng tiền lương. Chồng Giang kiếm khá hơn một chút, một triệu hai trăm ngàn. Với Giang, đây là cơ hội đổi đời, và đây cũng là thu nhập quá tốt cho hai vợ chồng cô.

Chúng tôi ghé thăm trong lúc cô đang ru con ngủ, cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa khiến cho mọi người trở nên nôn nao.

Cô kể như thở gấp: “Từ hôm làng bị đói cho đến nay, chúng em chưa nhận được món hàng cứu trợ nào, gạo cũng không có để mà ăn, cũng may là vợ chồng em đi làm công nhân nên có tiền mua gạo, mua thức ăn, ở bản này bà con đi xa làm thuê nhiều lắm. Nói là đi làm thuê vì tự ái, sợ mất mặt, chứ em biết họ vào miền Nam ăn xin anh à!”

Nói đến đây, mắt Giang rươm rướm nước: “Em có đứa bạn thân hồi đi học, giờ nó cũng lang thang thất nghiệp trong miền Nam và đi bưng phở một thời gian, nghe nói gần đây nó bỏ việc, theo một đám côn đồ nào đó…”

Một mái nhà quạnh quẽ, nghèo nàn quen thuộc ở huyện Quan Hóa. (Hình Phi Khanh/Người Việt)

Chúng tôi hỏi Giang về chuyện cứu trợ, cô nói: “Chán lắm anh ơi, cả năm nay nhận được mỗi người một kg gạo, ăn kiểu gì cho đủ chứ? Nghe báo đài đưa tin là cho tỉ này, tỉ nọ, nhưng khi nhận thì đúng một ký gạo, không hơn không kém. Chẳng hiểu nổi! Mà bây giờ, những người giàu có trong huyện, những nhà cán bộ lại là người nhận nhiều phần cứu trợ ưu tiên nhất.”

Giang cho biết tiếp: “Những người đại diện cho bản làng đều có thói quen kêu ca, than thở và xin xỏ, thậm chí cắt xén phần cứu trợ của bà con. Làm vậy nhục vô cùng, với họ, có thêm chừng đó cũng chẳng giàu, nhưng đó là sinh mạng của bà con, họ ăn quá dã man!”

Chúng tôi xin phép đi thăm quanh vườn nhà cô. Lại thêm một cái bếp lạnh trong hàng ngàn cái bếp lạnh ở xứ này. Có khác chăng là cái bếp nhà Giang phong phú hơn tí chút vì có thêm hai chai xì dầu và dầu ăn, vì đây là cái bếp của một đôi vợ chồng có “thu nhập ổn định”…!

Chúng tôi tạm biệt Giang, cái nắng trưa làm con đường chảy nhựa, tôi lan man nghĩ đến những cái bếp, những gương mặt buồn não, những đứa trẻ nhút nhát và luôn sợ hãi trước người lạ, những mái nhà tồn tại thoi thóp trên mặt đất… rồi lại nhìn ra những cánh rừng bạt ngàn của những “ông chủ rừng” sống trên nỗi cơ cực và nước mắt của… rừng!

Người không có cái ăn, khốn khó ra đi xin ăn, người giàu có lợi dụng quyền thế xin ăn, mỗi người dường như đều có lý do riêng để thấy việc mình làm chính đáng… Và người còn lại đứng nhìn, ngậm ngùi chút nào đó về thân phận, nỗi lòng kẻ đi xin người ở lại…

Dù sao đi nữa, Giang cũng tìm ra được ánh sáng tương lai cho con của cô trong cái đống mạt cưa hiện tại theo mọi nghĩa.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/

Bình luận về bài viết này